Báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện Kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và 03 năm gần nhất
CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN CÔNG NGHIỆP TÀU THỦY DUNG QUẤT MST: 4300338693 Số: /DQS-KHĐT |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Quảng Ngãi, ngày 31 tháng 3 năm 2017 |
1. Tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 2014÷2016
1.1 Một số chỉ tiêu về hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH một thành viên CNTT Dung Quất: theo phụ lục “Biểu số 1” đính kèm
1.2 Tình hình đầu tư thực hiện các dự án trọng điểm:
- Do không thu xếp được nguồn vốn đồng thời thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn tại Nghị quyết số 3147/NQ-DKVN ngày 21/4/2012 về việc thông qua danh mục dự án/hạng mục dự án tạm dừng trong kế hoạch 2012 nên các hạng mục đầu tư của DQS đều tạm dừng đầu tư. Kể từ năm 2014 đến nay công tác đầu tư của DQS chỉ tập trung vào các nội dung chính sau:
+ Thực hiện kiểm toán quyết toán vốn hoàn thành các hạng mục đầu tư đã hoàn thiện. Đã thực hiện kiểm toán được 192 gói thầu/256 gói thầu quyết toán, phát hành 11 báo cáo kiểm toán chính thức, 164 báo cáo kiểm toán dự thảo, 17 gói thầu chưa có dự thảo kiểm toán.
+ Xử lý các vướng mắc về pháp lý các gói thầu còn dở dang trước đây do VNS chuyển giao. Trong đó, đặc biệt là gói tổng thầu YMC- Transtech.
+ Xử lý các vấn đề công nợ đầu tư còn vướng mắc với các nhà thầu trong và ngoài nước.
+ Hoàn thiện chuyển nhượng Dự án bến số 2 cảng tổng hợp Dung Quất cho PTSC.
1.3 Những thay đổi về chiến lược kinh doanh, sản phẩm và thị trường:
a. Về chiến lược kinh doanh:
Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS) được đầu tư với mục tiêu ban đầu là phục vụ đóng mới tàu dầu 100.000DWT với công suất thiết kế khoảng 600 nghìn tấn tàu/năm (tương đương với đóng 6 con tàu 100.000 DWT). Tuy nhiên, do công tác đầu tư còn dở dang, đầu tư thiếu đồng bộ bên cạnh đó do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế cùng với sự suy giảm của thị trường đóng tàu nên để tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, thu nhập cho người lao động, DQS phải chuyển hướng sang phát triển thị trường sửa chữa, thực hiện các dịch vụ sửa chữa trong nội bộ.
b. Về sản phẩm và thị trường:
- Thị trường trong ngành:
+ Từ khi được chuyển giao về Tập đoàn Dầu khi Việt Nam, để tháo gỡ khó khăn, tạo công ăn việc làm, có thu nhập cho người lao động DQS đã được Tập đoàn cùng các đơn vị thành viên của Tập đoàn đặc biệt là Vietsovpetro, PVTrans, PTSC, PVEP POC... ủng hộ, tạo các điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường sửa chữa, làm các dịch vụ trong nội bộ Tập đoàn.
+ DQS chủ động duy trì mối quan hệ, giữ vững thị phần sửa chữa, đóng mới với các chủ tàu trong ngành như PVTRANS, VIETSOVPETRO, PVEP, VSP, PVTrans, PVT Vũng Tàu, Gas shipping, PTSC….
+ Bên cạnh đó, DQS cũng đã quyết liệt thay đổi, hợp lý hóa qui trình sản xuất để từng bước nâng cao chất lượng sửa chữa, đảm bảo tiến độ thi công sửa chữa các tàu trong ngành và được các chủ tàu trong ngành tin tưởng, đánh giá cao.
Ø Về các dự án đóng mới:
§ Đóng mới hoàn thiện và bàn giao tàu Aframax 105.000 DWT số 01 cho PVTrans, hoán cải Sà lan 18K, đóng mới 02 tàu dịch vụ đa năng AHTS, tàu chở khí hóa lỏng LPG 1.200 m3, …
§ Tham gia chào thầu đóng mới 8 tàu kéo lai dắt cho Chủ tàu PTSC phục vụ dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
§ Phối hợp với PVTrans để xây dựng phương án đóng mới Sà lan vận chuyển than 10.000 DWT, 2.000 DWT.
Ø Về các dự án sửa chữa: DQS đã thực hiện được nhiều dự án như sửa chữa tàu Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Sơn, Chí Linh, VSP01, VSP02, VSP05 ... của VSP, tàu Hercules của PV Trans, tàu PVT Dragon của PV Trans Vũng Tàu, tàu PTSC 04 của PTSC; sửa chữa giàn Tam Đảo, Cửu Long, Đại Hùng 01, …
Ø Các công việc khác:
§ Tham gia làm thầu phụ cho Liên danh với VSP - Petrosetco thi công gói thầu số 7 dự án Sửa chữa bảo dưỡng định kỳ lần 3 NMLD Dung Quất.
§ Tham gia làm thầu phụ cho các đơn vị PTSC, DMC, EIC chào thầu các gói thầu số 4, 5, 6 dự án Sửa chữa bảo dưỡng định kỳ lần 3 NMLD Dung Quất.
- Thị trường ngoài ngành (trong và ngoài nước):
Từ khi được chuyển giao về PVN, DQS chủ yếu thực hiện dịch vụ cho các đơn vị trong ngành tuy nhiên do bị bị ảnh hưởng kép của suy giảm giá dầu và thị trường vận tải biển nên hầu hết các khách hàng truyền thống trong ngành như VSP, PV Trans đã điều chỉnh kế hoạch đầu tư đóng mới, sửa chữa, nhiều sản phẩm, cắt giảm chi tiêu, cắt hạng mục sửa chữa … do đó DQS gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. DQS cũng đã nỗ lực tìm kiếm cung cấp dịch vụ cho các đơn vị ngoài ngành nhưng kết quả đạt được chưa khả quan.
Ø Thị trường trong nước:
+ Dự án đóng mới tàu kéo-lai dắt: đã ký kết và triển khai hợp đồng thi công đóng mới tàu kéo-lai dắt với Công ty TNHH MTV thương mại và dịch vụ Khoa Linh.
+ Dự án đóng mới Tàu chở khí hóa lỏng LPG 1.200m3: đã ký kết Hợp đồng với Chủ đầu tư là Công ty Việt Xuân Mới. DQS đã bắt đầu triển khai thi công từ tháng 11/2016, tổng thời gian thi công dự kiến là 8,5 tháng.
+ Đã tiếp nhận và sửa chữa thành công các tàu Apollo, Gas Sellan, Oceanus 9 cho chủ tàu Nhật Việt; tàu Petrolimex 06 cho Chủ tàu Vipco-Petrolimex; thi công sửa chữa, phục hồi cấp đăng kiểm tàu Epic 08, 09 cho chủ tàu F-gas.
+ Liên hệ và tiếp xúc với Chủ tàu là ngư dân để ký Hợp đồng đóng mới tàu kéo dịch vụ hậu cần.
Ø Về thị trường nước ngoài:
- DQS cố gắng đa dạng hóa công tác marketing, bên cạnh tiếp xúc với Chủ tàu, chủ động liên hệ với các Công ty môi giới như Nice Sea, Clarkson, các công ty quản lý tàu như Wallem, Vship … để tìm kiếm thêm các đơn hàng nước ngoài.
- Tiếp tục làm việc với Công ty quản lý các dự án đóng tàu của Bộ giao thông vận tải Iraq để thống nhất việc triển khai dự án đóng mới 8 tàu cho Chính phủ Iraq.
- Thực hiện chào giá đơn hàng hoán cải Sàn Cantilever và thay mới cột nước của giàn khoan Murmanskiya – OJSC; cung cấp các thông tin về năng lực của DQS để khách hàng Nga xem xét đưa các Giàn khoan nửa nổi nửa chìm (SEMISUB-CLASS RS) vào DQS để sửa chữa.
2. Những khó khăn chủ yếu, các yếu tố ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất:
2.1 Tác động tiêu cực kéo dài từ những tồn tại của VNS chuyển giao:
- Các sản phẩm 104.000DWT, 105.000DWT và các tàu 54.000DWT số 1, 54.000DWT số 2 được chuyển giao từ VNS gây lỗ nặng cho DQS.
- Cơ sở vật chất đầu tư dở dang, thiếu đồng bộ, tiến độ thi công chậm trễ kéo dài, một số hạng mục đầu tư đặc biệt quan trọng chưa có như cầu cảng; Một số hệ thống dây chuyền thiết bị đến nay chưa có nhu cầu sử dụng hoặc chưa đủ điều kiện sử dụng như “Dây chuyền tổng đoạn, cẩu 450T, …” dẫn đến không phát huy được khả năng khai thác, sinh lợi của tài sản, lãng phí vốn đầu tư. Tổng tài sản cố định của DQS tính đến ngày 31/12/2014 của DQS là 2.478,99 tỷ đồng (khấu hao bình quân hàng năm khoảng 182 tỷ đồng/năm). Trong đó, giá trị còn lại tài sản cần dùng tại ngày 31/12/2014 tương ứng là 702 tỷ đồng.
- Khoản chi phí tài chính tồn tại từ thời điểm chuyển giao gồm lãi vay YMC, phí bảo lãnh vay vốn của bộ tài chính, chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện từ 6 tháng cuối năm 2010-2013 DQS phải phân bổ vào SXKD bình quân khoảng 250 tỷ đồng/năm.
2.2 Ảnh hưởng do khủng hoảng kinh tế và cơ chế chính sách:
- Do ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế và suy thoái của ngành vận tải biển kéo dài nên nhu cầu đóng mới/sửa chữa tàu cũng suy giảm mạnh, đơn giá đóng tàu thấp. Hoạt động SXKD của DQS được duy trì là nhờ sự hỗ trợ của Tập đoàn và các đơn vị trong ngành.
- Ngày 01/07/2014, Luật đấu thầu số 43/2013/QH13 đã chính thức có hiệu lực; DQS, trong điều kiện vốn chủ sở hữu tại 31/12/2014 là âm (1.109,11) tỷ đồng, hoạt động của công ty trong những năm 2011, 2012, 2013 liên tục lỗ sau thuế. Tổng lỗ lũy kế tính đến 31/12/2014 là (3.628,52) tỷ đồng. Tổng số nợ phải trả đến thời điểm 31/12/2014 của DQS là 6.940,09 tỷ đồng. Số lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính vẫn chưa xử lý được dẫn đến DQS gặp nhiều khó khăn khi thực hiện luật đấu thầu, tham gia đấu thầu.
2.3 Nguyên nhân nội tại của DQS:
- DQS là đơn vị vẫn đang hoạt động trong điều kiện đầu tư xây dựng dở dang, cơ sở vật chất thiếu đồng bộ, thiếu cầu tàu nên không phát huy được hiệu suất khai thác của tài sản đầu tư mặc dù thời gian sử dụng Dock đã được khai thác tối đa.
- Đội ngũ CB CNV mặc dù đã có nhiều tiến bộ vượt bậc về kỹ năng tuy nhiên vẫn chưa làm chủ được công nghệ trong công tác đóng mới, sửa chữa tàu và các phương tiện nổi, các hạng mục yêu cầu kỹ thuật cao như: Lắp đặt, sửa chữa máy chính; nồi hơi; Hệ thống điện tự động, hệ thống điều khiển…vẫn còn thiếu kinh nghiệm. Năng lực sản xuất phần chống ăn mòn chỉ đáp ứng được công tác đóng mới, đối với công tác sửa chữa do thời gian thi công ngắn nên chưa đáp ứng được buộc phải thuê thầu phụ làm phát sinh tăng chi phí trong giá thành sản phẩm.
- Giá thành sản phẩm của DQS cao, làm giảm khả năng cạnh tranh về đơn giá trong công tác đấu thầu và trúng thầu do các nguyên nhân chủ yếu: (1) các khoản chi phí phân bổ hàng năm (chi phí khấu hao TSCĐ, chi phí tài chính, quản lý doanh nghiệp) ... của DQS lớn (khoảng 120 tỷ đồng/năm); (2) lực lượng lao động có tay nghề biến động giảm do nguồn công việc không ổn định nhưng rất khó tuyển mới thay thế, bổ sung vì DQS nằm ở địa bàn vùng sâu vùng xa; (3) cơ sở vật chất hạ tầng không hoàn thiện, không đồng bộ nên hiệu quả sử dụng còn thấp, chi phí cao, chưa tối ưu hoá được qui trình thi công.
3. Định hướng phát triển:
Tăng cường công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư hoàn thiện cầu tàu và một số hạng mục công trình thiết yếu để từng bước chuyển đổi mô hình sang đóng mới các phương tiện phục vụ dịch vụ dầu khí (FPSO/FSO, JACK UP, SEMISUB...), phấn đấu đến năm 2025: nhà máy hội tụ đủ năng lực cạnh tranh với các nhà máy đóng tàu trong khu vực, làm chủ được những kỹ thuật đóng giàn khoan và các phương tiện nổi phục vụ thăm dò, khai thác dầu khí.