Chuyện bảo dưỡng Con gấu lớn của PetroVietNam
“Con gấu lớn” vào dock khủng
4 giờ sáng, vịnh Dung Quất (Quảng Ngãi) sôi động, đèn sáng rực tàu thuyền. Trung tâm của vùng biển sôi động ấy là giàn khoan Đại Hùng 01 khổng lồ. “Bốn tàu cập mạn, còn hai tàu ở trước sau, Dung Quất 01 là tàu kéo…”, tiếng phát qua bộ đàm vang lên giữa tiếng sóng ầm ào. Những thao tác như được lập trình sẵn, những sợi dây kéo to bằng bắp tay người lớn được cố định 2 đầu thân giàn khoan vào đuôi 2 tàu kéo. 4 tàu dịch vụ khác có nhiệm vụ “kẹp” ở 2 mạn để định vị, cố định đường di chuyển của giàn khoan trước những tác động của sóng biển và dòng hải lưu.
Giàn khoan Đại Hùng 01- Đang được lai dắt từ phao số 0 vào dock DQS
Tiếng còi tàu hú vang, việc lai dắt giàn khoan Đại Hùng 01 bắt đầu. Dự kiến, việc lai dắt giàn khoan khổng lồ này vào trong dock tàu của DQS mất 6-7 tiếng đồng hồ trong hành trình dài 8 hải lý. Đây là dock tàu lớn nhất Đông Nam Á. Ở phía trong bờ, những cuộn cáp lớn được chuẩn bị, móc vào máy kéo để trợ lực cho tàu khi kéo giàn vào dock.
5 giờ sáng, những ánh nắng chiếu từ mặt biển lên, soi rõ chân đế, thân giàn tháp đuốc... làm rõ hình hài của một giàn khoan nửa nổi nửa chìm quy mô như một tòa cao ốc giữa biển khơi. Vịnh Dung Quất là nơi luôn ngược xuôi những con tàu chở dầu thô khổng lồ nhập cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, những con tàu đó so về kích thước chẳng là gì so với “con gấu lớn”. Giàn khoan Đại Hùng 01 có kích thước tương đương với một sân bóng đá tiêu chuẩn, dài 108,2m, rộng 67,36m, chiều dài boong chính 68,6m, mớn nước tối đa 21,3m, tổng trọng tải 9.880 tấn.
Đây là giàn khoan nửa nổi, nửa chìm duy nhất, cũng là một trong những giàn có tuổi thọ cao nhất ở Việt Nam. Phần chìm dưới nước bao gồm những chiếc pông tông (phao tạo lực nổi) để đỡ phần thượng tầng bên trên. Thượng tầng tựa lên pông tông bằng các cột chống. Trên thượng tầng là nhiều tầng boong khác nhau, bố trí các thiết bị để khai thác, tầng sinh hoạt, tầng điều khiển...
Giàn khoan Đại Hùng 01 là cỗ máy khổng lồ với hàng nghìn chi tiết cấu tạo phức tạp. Đây cũng là một trong những giàn khai thác đầu tiên của Việt Nam từ giàn trưởng cho đến nhân viên đều là người Việt Nam. Tất cả các công việc từ quản lý, vận hành khai thác đến các hoạt động sản xuất khác trên giàn đều hoàn toàn do người Việt Nam thực hiện, không phải thuê chuyên gia nước ngoài.
Giàn khoan Đai Hùng - 01 đã vào dock DQS an toàn
Giàn khoan Đại Hùng 01 được chế tạo năm 1975, là một phần của thỏa thuận mua lại mỏ Đại Hùng. Đây là một mỏ dầu có số phận kỳ lạ, được Petrovietnam mua lại quyền khai thác với giá tượng trưng 1 USD. Để hiểu được ngọn ngành câu chuyện kỳ lạ này, phải trở về thời điểm tháng 4-1993, hợp đồng dầu khí PSC Lô 05-1A mỏ Đại Hùng được ký kết và tiến hành thăm dò, khai thác với nhiều nhà thầu đa quốc gia như Petronas Carigali Overseas (Malaysia), Total (Pháp), BHPP (Australia), Đại Hùng Oil Development (Nhật Bản), PVEP (Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí).
Khi nhận lại mỏ Đại Hùng, không ít người nghĩ Petrovietnam mua lại là để... bán sắt vụn. Nhưng các cán bộ kỹ thuật của Petrovietnam, cụ thể là PVEP, đã tính toán và tiến hành thăm dò thẩm lượng các giếng Đại Hùng 14X và 15X, thử lại giếng Đại Hùng 9X, đồng thời sửa chữa, hoàn thiện các giếng khoan khác... Riêng giàn khoan Đại Hùng 01 tiếp tục sứ mệnh khai thác của mình, đem về trung bình 8.000 thùng dầu mỗi ngày cho đất nước, còn toàn mỏ Đại Hùng là 15.000 thùng mỗi ngày.Tuy nhiên, kết quả không được như mong đợi nên từ tháng 5-2003, các nhà thầu nước ngoài phải rút lui và để lại toàn bộ phương tiện, thiết bị khai thác đã đầu tư với giá tượng trưng 1 USD để Petrovietnam nhận lại toàn bộ nghĩa vụ và quyền lợi của dự án. Sở dĩ có giá rẻ đến độ không tưởng như vậy vì khi nhà thầu rút khỏi dự án, cần phải thực hiện hàng loạt các công việc như: Dọn sạch đáy biển; đổ xi măng lấp các giếng khoan...
Vào năm 2014, giàn khoan Đại Hùng 01 đã trải qua một đợt đại bảo dưỡng tại chính DQS. Đến tháng 5-2015, DQS đã hoàn thành việc sửa chữa, bảo dưỡng Đại Hùng 01 sớm 10 ngày, đem lại lợi ích kinh tế tương đương 3 triệu USD.
Trong đợt bảo dưỡng lần này, giàn khoan Đại Hùng 01 sẽ bảo dưỡng nhiều hạng mục quan trọng. Các hạng mục bảo dưỡng gói gọn trong bản danh sách dày 78 trang với hàng nghìn đầu mục công việc. Tổng giá trị của hợp đồng bảo dưỡng hơn 95 tỉ đồng. Khối lượng công việc khổng lồ, nhưng DQS chỉ thực hiện trong 2,5 tháng.
Nói về Dự án bảo dưỡng giàn khoan Đại Hùng 01, anh Mai Hồng Công - Giám đốc dự án cho biết: “DQS sẽ làm sạch toàn bộ phần chìm của giàn khoan Đại Hùng, hàn gần 5.000m ống các loại, bảo dưỡng, sửa chữa toàn bộ thiết bị, máy móc, điện. Đây là một dự án trọng điểm trong năm 2020 của DQS. Với kinh nghiệm, năng lực của công ty, chúng tôi tự tin sẽ hoàn thành tốt nhất, sớm nhất giàn khoan Đại Hùng 01 để sớm đưa về mỏ khai thác.
Giàn khoan Đại Hùng - 01 đang được lai dắt vào dock DQS
Nội dung: Thanh Hiếu